Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Doanh nhân Đỗ Hoàng Mỹ Linh & tình yêu gốm Việt

Với hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành gốm sứ, Đỗ Hoàng Mỹ Linh tâm huyết giới thiệu sản phẩm gốm Việt nói chung và gốm sứ Bát Tràng nói riêng ra thế giới
KHPT-“Tôi mê gốm bởi nét mộc mạc của gốm trong ký ức tuổi thơ, đến sự tinh xảo trong từng đường nét của gốm hiện đại. Gốm Việt mang văn hóa Việt, nhẹ nhàng như hơi thở, giản đơn và chân thành như tấm lòng người Việt. Tôi muốn mang hương vị của đất, của men gốm Bát Tràng đến thế giới, đến những nơi nghệ thuật gốm thủ công Việt Nam chưa được biết đến, chưa được yêu, chưa được say mê” - CEO Đỗ Hoàng Mỹ Linh, thương hiệu gốm sứ Mỹ Linh tâm sự.
Nơi đất hóa vàng
Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10 km về phía đông nam là làng gốm Bát Tràng, nay thuộc huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội). Vốn lâu đời và lừng danh ở Việt Nam, làng gốm Bát Tràng ngày nay vẫn hoạt động và ngày càng phát triển mạnh.
Tục truyền, làng ban đầu có tên là Bạch Thổ phường (phường những người thợ làm đồ đất trắng) sau đổi lại thành Bát Tràng phường (phường có lò bát). Các bậc cao niên ở Bát Tràng kể rằng, năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, rất nhiều thợ giỏi ở đất Yên Mô, Ninh Bình đã theo vua về đây lập nghiệp, lập nên làng Bát Tràng ngày nay.
Cũng theo truyền thuyết dân gian, nghề gốm xuất hiện ở Bát Tràng từ thời Lý. Do một nhóm người vùng Bạch Bát (Bồ Bát) thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đi thuyền ngược sông Hồng để buôn bán, gần đến Thăng Long thấy một bãi đất hoang phì nhiêu họ liền ghé lên nghỉ qua đêm.
Đêm ấy, một trong số những người đó mơ thấy vua Thủy Tề rước xuống thủy cung chơi. Khi người đó về, vua sai một đoàn thợ đi theo và xây cho tòa nhà lộng lẫy toàn bằng đất thó. Về sau, con cháu người này cứ cạy đất thó ra ăn mà tường mãi không đổ... Tỉnh dậy, người ấy đem giấc mơ của mình kể lại cho cả đoàn, mọi người cho đây là điềm lành, bèn quyết định bỏ nghề buôn ở lại cắm đất ấy lập làng.
“Quanh co dòng tốn thủy, cõi đông nam một dải đầm sen…
Nối đuôi nhà ngói, lớp trước lớp sau, liền cách tường vôi như trì như trát…”
Chẳng ở đâu, người ta sống nhờ đất nhiều như ở ngôi làng này, với họ, đất đã hóa vàng. Tuy nằm xa nội đô nhưng làng Bát Tràng được ban tặng thứ đất sét trắng hiếm có. Qua những bàn tay nhào nặn tài hoa của người Bát Tràng, thứ đất ấy có thể tạo ra những sản phẩm gốm tinh túy, lưu giữ hồn cốt của dân tộc. Cùng với thời gian trôi qua, Bát Tràng đã trở thành địa danh nổi tiếng, nơi người dân cả đời sống dựa vào nghề tổ của cha ông.
Các bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật chế tạo đồ gốm sứ ở Việt Nam. Đó là gốm men ngọc (thời Lý - Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối Trần - đầu Hồ), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh) và gốm hoa lam (vào cuối Lê - đầu Nguyễn).
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không những nổi tiếng trong cả nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới từ năm 1990 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước trong khối EU. Nhiều sản phẩm gốm cổ Bát Tràng đang được lưu trữ tại một số viện bảo tàng lớn trên thế giới như Viện bảo tàng Royaux (Bỉ), Viện bảo tàng Guimet (Pháp)…
Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm nhưng phần nhiều là đồ thờ: chân đèn, lư hương, bình hoa. Về sau, do thị hiếu phát triển, cộng với nhu cầu thị trường, gốm Bát Tràng đã có nhiều đồ gia dụng, phổ biến nhất là bát, đĩa, bình, lọ. Ngày nay, gốm Bát Tràng đã sản xuất khá nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, bao gồm cả những mặt hàng mỹ nghệ: đĩa treo tường, lọ hoa, con giống, tượng phiên bản và phù điêu với kỹ thuật và công nghệ cao.
Hôm qua lễ hội Bát Tràng
Vào xem chợ Gốm, ngỡ ngàng lắm thay
Ngắm nhìn phượng múa, rồng bay
Sờ đôi chim hạc đậu ngay lục bình...
Đến cơ sở sản xuất gốm Mỹ Linh vào một ngày đầu mùa hè, gần 50 công nhân trong xưởng đang tất bật với công việc của mình bên ánh lửa bập bùng cháy rực suốt ngày đêm. Người thì đứng lò, người pha đất, người chuốt, người vẽ tạo hình sản phẩm… khiến không khí làm việc thêm nhộn nhịp, khẩn trương.
Tất cả các công đoạn nhồi đất, tạo hình, sấy khô, tráng men, nung... đều phải được thực hiện một cách tỉ mỉ. Nghệ nhân cao tuổi nhất xưởng gốm Mỹ Linh vừa tỉ mỉ tạo hình cho gốm vừa vui vẻ nói: “Nghề truyền thống là tâm huyết, tài sản vô giá mà tổ tiên đã giữ gìn, sau đó trao truyền cho thế hệ chúng ta. Các cụ bảo “nhất dáng, nhì men, tam tích, tứ họa”, nghĩa là trước hết phải chọn được dáng đẹp cho gốm, sau đó là loại men phù hợp, tiếp đến là “tích”, tức là câu chuyện, sự tích được thể hiện trong các sản phẩm gốm, dựa vào tích, có thể chọn cách họa phù hợp (ám họa, đắp nổi, vẽ). Và Mỹ Linh cứ thế làm đúng theo kinh nghiệm các cụ để lại, đồng thời sáng tạo thêm những nét độc đáo của riêng mình”.
Khi hỏi về kỹ thuật nung gốm, một nghệ nhân cho biết: “Thực ra, nguyên lý của lò gốm xưa và nay không khác nhau nhiều lắm. Nó vẫn dựa trên nguyên lý cơ bản, cấu tạo gồm 3 phần: bầu lò, thân lò, hệ thống ống khói. Chỉ có điều, lò gốm ngày xưa thì nhỏ bé và đơn giản. Hiện lò gốm Mỹ Linh ở Bát Tràng đã không dùng than, củi hay rơm rạ để đốt lò mà đã dùng lò công nghiệp đốt bằng gas nên hạn chế sự ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm được lượng phế phẩm”.
Người tiếp lửa làng nghề
Trong đời sống hàng ngày của người Việt, đồ gốm đã được gửi gắm rất nhiều tình cảm, ước vọng và ý thức thẩm mỹ. Từ cái chén, cái đĩa, cái bình…, đồ dùng của người Việt không đơn thuần chỉ là vật dụng mà còn là thứ để ngắm nhìn, để bày biện.
Để tìm câu trả lời phía sau tấm màn bí ẩn sau bản hòa ca giữa đất, lửa và nước men, nữ doanh nhân Mỹ Linh lao mình vào cuộc khám phá thế giới gốm sứ và xem đó như một định mệnh. Chị đến với gốm chừng hơn 20 năm trước, đến bằng một thái độ cẩn trọng, kỹ lưỡng, không vội vã. Chị đối thoại với đất, soi mình trong ánh lửa và men để kiếm tìm tâm tư của chính mình.
Những sản phẩm tinh tế, sống động, đầy ắp hơi thở quê hương là nguồn cảm hứng tuyệt vời dẫn lối đưa chị đến với một ngành nghề truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Đến với gốm, chị cảm nhận được sự phong phú, đa dạng về văn hóa giữa các vùng miền. Chị chia sẻ: “Gốm Bát Tràng quả là niềm tự hào của người Việt và hình ảnh người thợ Bát Tràng miệt mài làm việc làm ấm áp trái tim tôi. Khi những sản phẩm gốm Bát Tràng vừa mới ra lò, tôi thường nhìn ngắm thật lâu, chiêm nghiệm về cuộc sống với cảm giác đang sống chậm lại so với nhịp sống thường nhật”.
 Ở Việt Nam, khái niệm thủ công “được” đánh đồng với việc “thô, mộc” không bắt mắt, nhưng ngược lại, người nước ngoài lại đánh giá cao, thậm chí rất cao, giá trị sản phẩm được làm thủ công, bởi ở đó chứa đựng tâm hồn của nghệ nhân, nét tinh hoa của làng nghề đã truyền từ đời này qua đời khác.
Mỗi sản phẩm thủ công sẽ là duy nhất và độc nhất bởi không bao giờ có thể làm 2 cái giống nhau hoàn toàn. Chính vì vậy mà gốm thủ công mỹ nghệ “đắt” - đắt cả về giá trị và giá thành. “Là người con đất Bắc, tôi rất yêu thích các dòng sản phẩm thủ công của các làng nghề. Trước khi đến với gốm, tôi cũng đã kinh doanh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy đau đáu tới một điều, làng gốm Bát Tràng nổi danh là thế, mà khi ở trong Nam, tôi rất khó có thể mua được những sản phẩm ưng ý cho mình. Điều đó thực sự tiếc, vì chính người Việt mình cũng chưa thực sự được hiểu và cảm nhận được hết nét đẹp của gốm Bát Tràng. Mỗi lần có dịp về quê, tôi lại lang thang trong làng gốm, tự tay chọn cái nọ, tìm cái kia như thỏa mãn sở thích cá nhân. Tuy vậy, khi trở về, tôi lại băn khoăn. Tại sao đẹp vậy mà vẫn chỉ mãi ở làng nghề? Mình có thể làm gì cho gốm Việt vươn xa? Gốm Bát Tràng đâu có thua gì các dòng sản phẩm nổi tiếng thế giới? Và, một ngày, được sự ủng hộ của chồng và gia đình, tôi dừng lại tất cả các công việc kinh doanh, thật sự bắt tay tìm hiểu gốm Bát Tràng. Cho đến giờ này, tôi vẫn cho rằng, mình đã đúng…”, chị Mỹ Linh chia sẻ.
Thương hiệu gốm sứ Mỹ Linh được biết đến với nhiều mẫu mã mang đậm chất Việt Nam: mộc mạc - thô sơ - cổ kính, mang những tinh túy của gốm Bát Tràng chạm đến trái tim của người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế. Gốm sứ Mỹ Linh hiện chia làm hai dòng sản phẩm chính: dòng sản phẩm gia dụng và dòng sản phẩm mỹ nghệ. Dòng sản phẩm gia dụng như bộ ấm trà, bộ gốm sứ gia đình, bộ gốm sứ dành cho nhà hàng, khách sạn… Dòng sản phẩm mỹ nghệ như bình trưng bày, đèn, bình đốt tinh dầu, đồ gốm trưng bày, bộ pha trà…
Dù dòng sản phẩm gia dụng hay mỹ nghệ thì gốm sứ Mỹ Linh vẫn là dòng cao cấp, đạt chất lượng quốc tế. Đó chính là tiêu chuẩn do gốm sứ Mỹ Linh đặt ra cho thành phẩm của mình. Mọi sản phẩm dù là lỗi nhỏ nhất cũng bị loại để giữ vững chất lượng dòng gốm sứ cao cấp. Với chị, uy tín phải được xây dựng dựa trên sản phẩm cốt lõi.
Niềm đam mê với gốm đã giúp nữ doanh nhân vượt qua mọi khó khăn, vất vả để cùng các nghệ nhân của làng gốm cổ đưa sản phẩm Bát Tràng trở thành thương hiệu gốm sứ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Với tâm thức “Cho đi là nhận lại”, thương hiệu gốm sứ Mỹ Linh thường xuyên có mặt trong những chương trình thiện nguyện. Đồng thời, Mỹ Linh luôn tìm kiếm cơ hội, nắm bắt thông tin về thị trường, các kiến thức mới trong công nghệ sản xuất gốm sứ, phương thức buôn bán thời thương mại điện tử để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh.
Truyền thống và hiện đại đan xen cả trong tư duy sản xuất, kinh doanh của nữ doanh nhân họ Đỗ cũng như trong diện mạo của gốm Bát Tràng với thương hiệu Mỹ Linh.
Muốn biết thêm thông tin về sản phẩm, liên hệ: 133 Nguyễn Cửu Vân, P.17, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Hotline: 090.830.0487.
3-2
3-3
Vi Hằng

Gốm Sứ Mỹ Linh được sản xuất thủ công bởi các thợ gốm dày dạn kinh nghiệm. Với các mẫu mã và chủng loại đa dạng đã giúp gốm sứ Mỹ Linh chinh phục được các thị trường nước ngoài khó tính như: Mỹ, Canada, Nhật, Đức... Để đảm bảo chất lượng, từng sản phẩm phải vượt qua quy trình kiểm tra chặt chẽ. Nhờ vậy gốm sứ Mỹ Linh đã trở thành tên tuổi quen thuộc trong dòng gốm sứ cao cấp của Gốm Sứ Bát Tràng. Quý Khách hàng có thể an tâm dùng cho việc nấu nướng nội trợ hoặc làm một món quà tặng cao cấp hay sử dụng cho các nhà hàng khách sạn thêm phần sang trọng và an toàn.


CEO ĐỖ HOÀNG MỸ LINH

Hotline: 090 830 0487

Địa chỉ: 133 Nguyễn Cửu Vân, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
http://www.gomsumylinh.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline0902 424 114