Không phải ai cũng biết rằng Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là người đã góp phần quan trọng trong việc hiến định vai trò của doanh nhân và vận động cho việc ra đời Ngày doanh nhân Việt Nam. Nhiều doanh nhân đã trìu mến gọi anh là người thủ lĩnh tinh thần của doanh nhân Việt.
Quả thật trong suốt thời gian qua anh đã hoạt động như con thoi để kiến tạo và xây dựng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Với tư duy cởi mở, anh đã góp phần xây dựng và cỗ vũ kịp thời những động thái đổi mới trong môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, đồng thời cũng là người tiên phong thúc đẩy không ngừng nghỉ tinh thần hội nhập quốc tế,…
Sẽ là quá khó để lột tả một cách trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của Anh qua một bài viết. Tôi chỉ có tham vọng nhỏ là có thể khắc họa vài nét về hình ảnh “vị thủ lĩnh doanh nhân” trong thời hội nhập kể từ khi anh chèo lái con thuyền VCCI.
Chỗ dựa tin cậy củadoanh nghiệp, doanh nhân
“Tận tâm” là hai từ anh Vũ Tiến Lộc luôn dùng để mở đầu và kết thúc câu chuyện về doanh nhân, bởi với anh đó là hai từ đắt giá nhất trong lá thư Bác Hồ gửi cho giới công thương ngày 13/10/1945 và đến nay nó vẫn vẹn nguyên giá trị. Thực hành hai chữ “Tận tâm” trong suốt thời gian qua, anh đã đưa VCCI lên một tầm cao mới.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc và Thủ tướng Phan Văn Khải tại lễ công bố ngày Doanh nhân Việt Nam
Có thể nói dưới ngọn cờ của VCCI, chưa bao giờ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ như lúc này. Công đầu thuộc về chủ tịch VCCI, anh như một người giao liên, di chuyển như con thoi từ các cuộc họp của quốc tế, của Quốc hội, của Chính phủ xuống tận các địa phương để kiến tạo và xây dựng mạng lưới cộng đồng, doanh nghiệp. Tại tất cả 63 tỉnh thành cả nước với vai trò định hướng của anh hiện đều đã hình thành các hiệp hội doanh nghiệp và họ đều đã gia nhập cộng đồng VCCI. Ngay cả 15 hiệp hội lớn nhất của cộng đồng kinh doanh quốc tế tại Việt Nam cũng đã tập hợp lại trong liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mà anh làm đồng Chủ tịch. Với vai trò chủ trì, sự năng động và cởi mở, anh và VCCI đã tập hợp được đội ngũ của những “người lính thời bình” một cách sâu rộng nhất từ trước đến nay.
Điều thú vị nhất đó là các hiệp hội doanh nghiệp đã tự nguyện sát cánh bên VCCI, tin cậy trao gởi những ý kiến và nguyện vọng của mình tạo thành tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp.Trên cương vị “thuyền trưởng” chèo lái VCCI, anh luôn là người cổ vũ và đặt niềm tin kịp thời đối với những động thái tích cực của Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình hội nhập và phát triển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch VCCI chúc mừng ngày Doanh nhân Việt Nam
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của VCCI đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: “VCCI vừa là đầu mối, vừa là cầu nối rất quan trọng, vừa là tổ chức tập hợp đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. VCCI đã cùng các tổ chức thành viên là và các hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh thành trong cả nước triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua thực tiễn những vẫn đề phát sinh bất cập đối với doanh nghiệp, VCCI cũng kịp thời nắm bắt, phản ánh, kiến nghị lên chính phủ để điều chỉnh kịp thời tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Trong hội nhập quốc tế, VCCI đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển nhanh chóng.”
Với những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thời gian qua, VCCI đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập và Huân chương Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì phần thưởng lớn nhất không phải là những tấm huân chương mà chính là được Đảng, Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ, cộng đồng doanh nghiệp tin cậy đồng hành.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch VCCI tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Người của những phát kiến táo bạo
Trong vai trò người kiến tạo, người truyền lửa, anh đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và không ngại đưa ra những ý kiến đột phá. Chính anh là người đầu tiên phát hiện trong từ điển tiếng Việt thiếu hai chữ “doanh nhân”.
Trong một hội thảo diễn ra ở Bảo tàng lịch sử hơn 10 năm trước, nhà sử học Dương Trung Quốc tặng anh bức ảnh bác Hồ chụp với giới công thương ngay sau khi nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời được hơn một tháng. Bức ảnh đã tác động rất lớn vào tư duy và suy nghĩ của anh, thôi thúc anh đi vào nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh với doanh nghiệp doanh nhân. Anh đã tìm đến bức thư Bác gởi cho giới Công Thương (13/10/1945) và lĩnh hội hai chữ mà anh tâm đắt nhất “Tận tâm”. Có thể nói sự hồi sinh của bức ảnh và lá thư của Bác đã trở thành bệ đỡ cho việc hình thành những tư tưởng, kiến nghị về doanh nghiệp và doanh nhân sau này của anh và VCCI.
Việc Bác Hồ tiếp giới chức đầu tiên là doanh nhân ngay sau khi trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nền cộng hòa dân chủ là một thông điệp mạnh mẽ cho thấy người rất quan tâm đến doanh nghiệp doanh nhân, tôn trọng doanh nhân vì lòng yêu nước và sự sát cánh của họ đối với Chính phủ trong bối cảnh đất nước khó khăn. Gần 60 năm sau, anh đã góp phần làm sống dậy thông điệp của Bác - Doanh nghiệp sát cánh cùng Chính phủ. Anh trở thành người giao liên, mang lá thư và bức ảnh Bác Hồ với doanh nhân chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Đó cũng là động lực để anh cùng với các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Phan Văn Khải lấy ngày 13/10 là Ngày doanh nhân Việt Nam. Sự ra đời của ngày doanh nhân (13/10) có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, đã xác lập lại trong tâm thức con người và trong xã hội hai chữ Doanh nhân, khẳng định vai trò “nhạc trưởng” tiên phong của họ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước (nói như cách nói của vị tướng huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Chủ tịch VCCI báo cáo tình hình doanh nghiệp, doanh nhân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với tư duy cởi mở, dám nghĩ dám làm, VCCI dưới sự điều hành của anh có một sự thay đổi về chất trong hoạt động đại diện, trở thành một đại gia đình, một tổ chức trung ương của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Sức mạnh của cả một tập thể khiến cho vị thế và tiếng nói của VCCI ngày càng cao. Ngoài những tác động về thể chế, chính sách, luật pháp và những đột phá về tư duy như ngày doanh nhân, nghị quyết về doanh nhân, doanh nhân và hiến pháp, anh còn là người đề xuất và trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị quyết về doanh nhân của Đảng, là người đề xuất và cùng các đại biểu Quốc hội là doanh nhân thuyết phục Quốc hội hiến định vai trò của doanh nhân trong Hiến pháp, là người chỉ đạo nghiên cứu và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo đột phá trong điều hành kinh tế ở các địa phương, qua đó đề cao tiếng nói của doanh nhân. Những phát biểu của chủ tịch VCCI trước Quốc hội, trước Chính phủ về những vấn đề luật pháp, thể chế và chính sách là một tiếng nói có trọng lượng và trách nhiệm, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới ở nước ta.
Đại sứ kinh tế của Việt Nam
Dưới sự điều hành của anh, VCCI không phụ lòng tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp tiếng nói quan trọng trong những cải cách kinh tế ở Việt Nam. Anh được bạn bè quốc tế xem như vị “Đại sứ kinh tế” của Việt Nam.
Chủ tịch VCCI gặp gỡ Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy.
“Trong quá trình làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm, tôi rất vinh dự được làm việc thường xuyên với VCCI và Chủ tịch Vũ Tiến Lộc. Tôi cảm nhận rằng chúng tôi luôn có những tư duy và quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi nhận thấy VCCI đã thực sự đại diện hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam…Tôi đã tham gia cùng Tiến sĩ Lộc trong nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang các nước EU, Tiến sĩ Lộc luôn thể hiện như một “Đại sứ kinh tế” của Việt Nam”, ông Alain Cany, Nguyên chủ tịch Phòng thương mại Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam, nguyên Đồng Chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chia sẻ.
Điều này còn được ông Tsutomu Takebe - Nguyên Tổng Thư ký Đảng cầm quyền Nhật bản, Nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam, khẳng định: “Hiện tại có thuận lợi là ở Việt Nam có nhiều tổ chức, cá nhân rất am hiểu Nhật Bản, như VCCI. VCCI đã trực tiếp giới thiệu, thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Đáng mừng là tại Việt Nam có những người như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI là người bạn lâu năm với tôi, và là người am hiểu Nhật Bản, có nhiều đóng góp trong thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước hợp tác, giúp đỡ nhau. Trong làn sóng đầu tư vào Việt Nam vừa qua cũng như sắp tới, những người như ông Lộc có vai trò rất quan trọng.”
Được đánh giá là một trong những phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất ở các nước đang phát triển, trong quá trình hội nhập, VCCI và anh có những đóng góp rất quan trọng. Chính anh, với tư cách đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến nay, là người đầu tiên đã phát biểu trước Quốc hội hối thúc Chính phủ đẩy nhanh quá trình đàm phán gia nhập WTO. Năm 2010, khi Chính phủ đang cân nhắc việc tham gia đàm phán TPP thì VCCI đã tiến hành một cuộc khảo sát dựa trên ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp và Chủ tịch VCCI đã gửi đề xuất lên Chính phủ ủng hộ chủ trương này. Có thể nói anh là người cổ vũ mạnh mẽ cho hội nhập.
Chủ tịch VCCI và Tỉ phú huyền thoại Bill Gates.
Nhận định về sự năng động của VCCI dưới sự lãnh đạo của “vị thủ lĩnh” tận tâm, bà Lee Ju Song, Giám đốc khu vực châu Á, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) chia sẻ: “VCCI đóng vai trò quan trọng trong phát triển cộng đồng kinh doanh quốc tế tại Việt Nam. Là một tổ chức đại diện cho tầng lớp kinh doanh uy tín, VCCI phản ánh chân thực hình ảnh và tinh thần của một xã hội sôi động và tiến bộ. Những nỗ lực của TS. Vũ Tiến Lộc trong việc giúp đỡ hội viên VCCI thiết lập liên kết kinh tế và kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua mạng lưới các đối tác với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài là rất đáng trân trọng.VCCI cũng năng động và tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển một môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua những tham vấn cho Chính phủ Việt Nam. Đây là yếu tố giúp VCCI được mệnh danh là một trong những phòng thương mại và công nghiệp năng động nhất trong các nước đang phát triển… Chúng tôi tin tưởng rằng VCCI đã, đang và sẽ là một đối tác có hiệu quả trong quá trình phát triển các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, đóng góp nhiều cho sự tiến bộ kinh tế của Việt Nam...”
Người của những điều giản dị
Tôi sẽ không thể hoàn thành “nhiệm vụ” nếu không có sự tin tưởng của anh, trong vai trò người truyền lửa anh đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng hơn bất kỳ nhân vật nào tôi từng trò chuyện. Sự giản dị và thân tình của anh giúp tôi khai mở những giá trị về một người “thủ lĩnh” thật sự. Ở anh có sự dũng cảm của một người lính, (anh là cựu chiến binh), sự sáng tạo của một nhà khoa học, sự quyết đoán và bản lĩnh của một doanh nhân, sự chân phương và chừng mực của một chính khách.
Cựu chiến binh Vũ Tiến Lộc và các đồng đội
Là người có tư duy cởi mở, luôn nỗ lực hết mình trong công cuộc hỗ trợ doanh nghiệp và phát huy vai trò của doanh nhân, anh đã đưa ra những thông điệp quan trọng thể hiện tầm nhìn và tâm huyết của một vị thủ lĩnh thật sự: “Doanh nhân – Người lính thời bình” hay “Lớn lên con sẽ làm doanh nhân” và mới nhất là “Mỗi doanh nhân hãy cố gắng làm ra những sản phẩm Made in Viet Nam tử tế, đàng hoàng”, “Lòng yêu nước phải kết tinh trong từng sản phẩm mang thương hiệu Việt”.
Câu chuyện Tổng thống Mỹ Barrack Obama hồi đầu năm nay đã tự tay chọn mua tặng phu nhân chiếc áo khoác thể thao Made in Vietnam tại một cửa hàng trên đất Mỹ đã gợi cho anh nguồn cảm hứng khơi dậy tinh thần yêu nước một cách thiết thực đối với doanh nhân. “Mỗi doanh nhân Việt đều phải có trách nhiệm với thương hiệu thiêng liêng Made in Vietnam. Hãy làm cho Made in Vietnam có được niềm tin với thế giới như người Nhật đã làm nên thương hiệu Made in Japan. Chúng ta đã đi qua thời kỳ bong bóng, ồn ào; mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy định vị lại mình, cẩn trọng từ những việc làm nhỏ nhất, nhưng thiết thực để đưa thương hiệu Made in Vietnam tới toàn cầu”.
Chủ tịch VCCI thăm Công ty chè Lào Cai
Chủ tịch VCCI thăm Doanh nghiệp dệt may Hà Nội
Cuối cùng tôi xin mượn câu châm ngôn mà anh tâm đắc nhất cho phần kết bài này “Giản dị là điều khó nhất trên đời: Đó là giới hạn tột cùng của sự từng trải và nỗ lực cuối cùng của thiên tài.”
Quách Diễm
Ảnh: Minh. Way (Ảnh tư liệu)
Theo ấn phẩm Phong Cách Doanh Nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét