Hội Doanh Nhân

Hội Doanh nhân nơi CHIA SẺ - KẾT NỐI – HỢP TÁC, một chuyên trang của giới DOANH NHÂN VIỆT NAM – VÀ CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC. Một chuyên trang CHUYÊN VÀ CHUYÊN BIỆT đăng tải các thông tin, bài viết, sự kiện về: Đời sống doanh nghiệp, gương doanh nhân tiêu biểu, giao thương….

Hội Doanh nhân là một Group tương tác bởi: Cà phê Doanh nhân, nơi hỗ trợ và tạo môi trường trao đổi, ký kết; CLB Doanh nhân, thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ định kỳ, sự kiện lớn, nhỏ nhằm tương tác, gắn kết.

Hội Doanh nhân là tổ chức được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các doanh nhân, doanh nghiệp. Hội Doanh nhân - CLB DN ra mắt sẽ giúp kết nối các doanh nhân, cùng xúc tiến thương mại, tạo công ăn việc làm cũng như chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh...

Hội Doanh Nhân luôn đồng hành và bảo trợ cho các doanh nghiệp – doanh nhân đang hoạt động trong nước và nước ngoài.

Hotline: 0932 074 939 - 098 450 4912

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Đỗ Gia - Đại gia đình nổi tiếng 3 đời làm doanh nhân

Tập đoàn DOJI có thể được xem là công ty gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời nhất hiện nay tại Việt Nam.

Đỗ Gia - Đại gia đình nổi tiếng 3 đời làm doanh nhân
Cụ Đỗ Thế Sử và con cháu.Ảnh:DNSG
Từ năm 1986 đến nay, cùng với biến chuyển của nền kinh tế, hội nhập toàn cầu, những thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các công ty gia đình Việt Nam đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam khi đóng góp cùng những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khác gần 50% GDP cả nước. 
Mô hình công ty gia đình hiện đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Huyndai, Estée Lauder,…đều là các công ty gia đình. Tại Hàn Quốc, trong mỗi ngành nghề có một hoặc một vài tập đoàn (chaebol) thống trị thuộc một dòng họ nhất định. Lịch sử của các Chaebol này lên tới hơn trăm năm.
Nếu so sánh với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, công ty gia đình tại Việt Nam có lịch sử phát triển còn khá khiêm tốn chỉ khoảng vài chục năm gần đây. Trong số đó Đỗ Gia có thể được xem là gia đình doanh nhân có truyền thống kinh doanh lâu đời nhất hiện nay tại Việt Nam.
Thế hệ thứ nhất: 73 tuổi thành lập, hơn 90 tuổi vẫn điều hành công ty
Cụ Đỗ Thế Sử (sinh năm 1923), vốn là tổng biên tập báo Sơn Tây những năm 1955-1958 nhưng hoàn cảnh gia đình đông con cùng với niềm đam mê kinh doanh khiến cụ nghỉ chức tổng biên tập ra thành lập hợp tác xã Tiến Hưng.
Cụ Đỗ Thế Sử.
Sau hơn chục năm gắn bó kinh doanh hợp tác xã, máu kinh doanh vẫn không ngừng chảy và nhìn đâu cụ Sử cũng thấy cơ hội. Một kỷ niệm hài hước từng được cụ chia sẻ là việc “đánh” mũ phớt từ Hà Nội vào Sài Gòn khi giá của loại mũ này ở đây bán tới nửa chỉ vàng. Đến khi sang thăm con thứ là Đỗ Anh Tú nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc cụ còn mua hẳn 5.000 cái về và thắng to. Năm ông Tú nhận bằng tiến sĩ, cụ cũng nhanh chóng quyết định mua 39 kiện hàng kèm theo đó mua băng giấy vệ sinh để chèn hàng. Cả 2 món hàng pha lê và băng giấy vệ sinh đều đưa về khoản lời kha khá.
Người truyền niềm say mê này cho cụ chính là mẹ ruột. Theo lời cụ Sử, cụ thân sinh là người học ít nhưng nhạy bén trong kinh doanh, chăm chỉ, tham công tiếc việc. “Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn”, cụ Sử kể lại.
Năm 73 tuổi, cụ Sử vẫn không nghỉ ngơi mà thành lập công ty may mặc Gamexco chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Ở tuổi ngoài 90, cụ Sử vẫn tiếp tục điều hành công việc của công ty.
Thế hệ thứ 2: 11 người con thành đạt
Cụ Đỗ Thế Sử có 11 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân nổi tiếng. Con cả của cụ Sử là đại tá, kỹ sư Đỗ Thái Tùng. Con thứ 2 của cụ là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu phó giám đốc bệnh viện 103, phó TGĐ CTCP bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec. Con thứ 3 của cụ Sử là Đỗ Minh Phú, người gây dựng nên tập đoàn DOJI.
Những người con tiếp theo của cụ Sử có thể kể đến là Đỗ Anh Tú là em trai thứ 6 hiện là TGĐ Diana và Phó chủ tịch HĐQT của TPBank. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt; Ông Đỗ Khôi Nguyên - Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Bà Đỗ Xuân Mai - Điều hành công ty Green Global. Bà Đỗ Kim Dung - Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa.
Trong 11 người con, ông Phú được cụ Sử đánh giá là người thông minh nhất. Và ông cũng là người làm rạng danh nghiệp kinh doanh của gia đình nhất với việc thành lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI chuyên kinh doanh trang sức.
Trước đó, hai anh em ông Phú và ông Tú chính là người tạo dựng thành công thương hiệu Diana trước khi bán cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) năm 2011.
Năm 1997, người Việt chưa có thói quen dùng băng vệ sinh cũng là lúc 2 anh em ông Phú thành lập công ty TNHH đầu tư và phát triển kỹ thuật Việt Ý (sau này đổi tên thành CTCP Diana) chuyên sản xuất kinh doanh băng vệ sinh. Đến năm 2003 công ty này sản xuất thêm tã trẻ em thương hiệu Bobby. Năm 2008, Diana sản xuất thành công tã giấy dành cho người già Caryn, xây dựng nhà máy sản xuất giấy Tissue Diana.
Ông Đỗ Minh Phú và em trai Đỗ Anh Tú.
Năm 2011 khi Diana đang thành công, anh em ông Phú quyết định bán lại 95% CTCP Diana cho tập đoàn gia dụng Nhật Bản Unicharm. Theo một số nguồn tin thì thương vụ này có giá trị từ 180-200 triệu USD. Ông Phú cho biết: “Unicharm là một tập đoàn đa quốc gia hoạt động rộng khắp thế giới lại cùng lĩnh vực kinh doanh mà Diana đang hoạt động kinh doanh nên sự hợp tác này sẽ như một “cánh tay nối dài” giúp Diana có thêm sức mạnh để phát triển sản phẩm”.
Với khoản tiền khổng lồ này, tập đoàn DOJI và những người có liên quan mua lại 20% cổ phần tại Tienphong Bank, sau đổi tên thành TPBank. Ông Phú và ông Tú hiện giữ chủ chức Chủ tịch và phó Chủ tịch HĐQT tại ngân hàng này.
Đầu năm 2012, DOJI cũng thông báo mua lại và nắm giữ 65% cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (Artex Saigon), ông Phú được bầu vào ghế chủ HĐQT.
Về tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, vốn tiền thân là Công ty phát triển công nghệ và thương mại TTD, thành lập năm 1994 khi ông Phú quyết định bỏ công việc lương cao với chức vụ giám đốc công ty liên doanh. Bên cạnh hoạt động cốt lõi là sản xuất kinh doanh trang sức, DOJI còn tham gia vào bất động sản, tài chính ngân hàng và chuỗi dịch vụ cao cấp. Doanh thu của tập đoàn này năm 2014 đạt 40.000 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần chỉ sau 7 năm.
Hiện tập đoàn DOJI có 7 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và 6 công ty liên kết góp vốn.
Thế hệ thứ 3: Những người kế nghiệp
Thế hệ thứ 3 kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình ông Phú là hai con Đỗ Vũ Phương Anh (năm năm 1980) và Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983). Cả hai người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có bằng thạc sỹ nước ngoài về quả trị kinh doanh và marketing.
Bà Phương Anh hiện là Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Khối Hành chính – Nhân sự, Khối Marketing kiêm Tổng kiểm soát của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Ngoài công tác ở Tập đoàn DOJI, bà Phương Anh còn nắm giữ vị trí Ủy viên HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, Phó Tổng giám đốc phụ trách chiến lược cải cách hệ thống CTCP Diana, giám đốc công ty TNHH đầu tư thương mại DOJI và giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Phú và 2 người con.
Ông Đỗ Minh Đức là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giám đốc chi nhánh Tp.HCM CTCP vàng bạc đá quý DOJI và giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Đức còn có chứng nhận Chuyên gia đá quý tại GIA (Gemology Institute of America).
Kim Thủy
Theo Trí Thức Trẻ

KHÁC BIỆT CHỨ KHÔNG PHẢI TỐT NHẤT: HOẠT ĐỘNG CỦA CLB DOANH NHÂN HỌ ĐỖ (ĐẬU) tp HỒ CHÍ MINH

KHÁC BIỆT CHỨ KHÔNG PHẢI TỐT NHẤT
(DIFFERENT, NOT THE BEST)
Nhiều người cố gắng xây dựng công ty trở thành công ty "the best" (tốt nhất). Nghĩa là công ty có sản phẩm, dịch vụ tốt nhất và họ cố gắng học theo các công ty "the best".
Thực tế, người ta đúc kết rằng chỉ trừ công ty số 1 (Number One) còn lại thì những công ty "khác biệt - different" (có sản phẩm, dịch vụ khác biệt) thành công hơn những công ty theo đuổi "the best".
Tôi đã chiêm nghiệm điều này trong giới Công nghệ Thông tin Việt Nam thì thấy rất đúng, một vài công ty chọn sản phẩm, thị trường khác biệt, riêng biệt đã tạo ra lợi nhuận ròng (net profit) lớn hơn nhóm công ty theo đuổi "the best", tuy doanh số của họ ít hơn (vì tế nhị tôi không tiện nêu tên).
Hôm nay CLB doanh nhân họ Đỗ Hà Nội tổ chức sinh hoạt tháng 10 tại Elegant Suites (số 10B Đặng Thai Mai Hà Nội) được ngồi với doanh nhân Đỗ Thế Thiệp, chủ nhân của Elegant Suites tôi càng thấm thía triết lý "DIFFERENT, NOT THE BEST".
Trong khi hầu hết mọi người nghĩ đầu tư kinh doanh khách sạn (3, 4, 5 sao) hoặc căn hộ, biệt thự cho thuê thì anh Đỗ Thế Thiệp lại đầu tư kinh doanh căn hộ - khách sạn 5 sao cho thuê, nghĩa là ở thì là căn hộ (150 căn hộ + 2 Penhouse), nhưng toàn bộ dịch vụ thì như khách sạn 5 sao từ sảnh tầng 1, nhà ăn, bể bơi, sân vườn, khu hội nghị, spa, gym... đặc biệt 2 căn Penhouse của Elegant Suites là 2 căn sang trọng hơn phòng tổng thống (Ptresident) của bất cứ khách sạn 5 sao nào ở Việt Nam.
Với mô hình căn hộ - khách sạn 5 sao này, giá cho thuê lên đến 35$/m2 thế mà 150 căn hộ cho thuê của Elegant hầu như kín khách thuê theo thời hạn năm (cỡ 5.000$/căn hộ/tháng), riêng 2 căn Penhouse khách thuê dài hạn với giá 35.000 USD/tháng.
Tôi khâm phục anh Đỗ Thế Thiệp, tuy đã 64 tuổi, nhưng tư duy và hành động rất đáng để lớp trẻ học tập, đặc biệt là tư duy DIFFERENT - KHÁC BIỆT, NOT THE BEST.
Đỗ Cao Bảo.
 
 
  _____________________________________

HOẠT ĐỘNG CỦA CLB DOANH NHÂN HỌ ĐỖ (ĐẬU) tp HỒ CHÍ MINH

Sáng 26.10.2016 CLB Doanh nhân Họ Đỗ(Đậu) tp Hcm & phía nam thăm một số cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nhân họ Đỗ (Đậu):Thăm Xí nghiệp sản xuất cáp quang của Sacom, thăm Nhà máy Gạch không nung  và thăm Trại chăn nuôi Gà công nghiệp.
 Đoàn gồm: - Chủ tịch Đỗ Văn Trắc (Tập Đoàn Sacom)
- Bác sĩ Xuân trường (thẩm mỹ viện Xuân Trường)-Chủ tịch CLB
- Đỗ Nhi (Tổng cty Lương thực và thực phẩm) TTK CLB
- Đậu Hồng Lạc (tập đoàn dầu khí GAS- Chủ trang trại CB ) 
- Anh Quốc Phú (TGĐ- Tổng Cục bộ Quốc Phòng)
- Đỗ An (cty gạch không nung-cty Mekong )
- Đỗ Nhung (công ty bảng hiệu và quảng cáo in Ấn Anh Minh)
- Đỗ Tiêu( Cty Du lịch Pilot)
- Đỗ Tuấn giám đốc BIDV CN TB
- Đỗ Chiến BDS Bình Dương Đỗ
- Đỗ Minh (cty Ô tô Anycar)
- Đỗ Hoa (Amway- Mỹ Phẩm)
- Đỗ Thơ (cty rượu và rượu vang XK)
- Đỗ Huy (cty sơn Nippon)
- Đỗ Toại cty trà Lộc Tân Cương
- Đỗ Nhân ( Định cư MỸ (ICIS.us ) và nội thất Á Âu
Và các thành viên khác.

 Chuyến đi thăm quan, giao lưu kết nối của CLB Doanh nhân Họ Đỗ (Đậu) TpHCM & Phía nam đến các doanh nghiệp của các thành viên CLB kết thúc tốt đẹp. Các thành viên được trải nghiệm thực tế, được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của chính các chủ doanh nghiệp về thông tin ngành nghề, kinh nghiệm quản lý  điều hành xây dựng và phát triển doanh nghiệp từ sản xuất công nghệ cao, phức tạp đến sản xuất đơn giản với quy trình khép kín … Đây không chỉ là cơ hội giao lưu học hỏi, mở rộng thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm giữ các thành viên mà còn là động lực để bản thân các doanh nhân không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững…!

 
 Chụp hình lưu niệm tại nhà máy cáp viễn thông Sacom
 

 
 Chụp hình lưu niệm tại nhà máy Vật liệu mới Mekong – Gạch không nung

  http://hododautphcmvaphianam.com/wp-content/uploads/2016/10/image-0-02-06-47bcd6fade273708711b2b24ed7ecc3732d8706c06737804de89f09b33244609-V.jpg
  Chụp hình lưu niệm tại trang trại gà công nghiệp

Ba anh em họ Đỗ thành đạt trên đất Ba Lan đầu tư lớn về quê hương

Cùng với một số "đại gia" khác như Trung tâm Thương Mại ASG, Công ty TTC, Nhà Văn hoá Thăng Long, Nhà hàng Quê hương...Tập đoàn TSQ(tên viết tắt của 3 anh em Đỗ Trường, Đỗ Sơn và Đỗ Quân) là những "Mạnh Thường Quân" trong các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Mấy năm gần đây, TSQ chẳng những đóng góp kinh phí, (thường là đứng đầu danh sách), mà còn nhiệt tình hăng hái tổ chức, vận động bà con cộng đồng ủng hộ phong trào. Đỗ Quân, Chủ tịch tập đoàn TSQ, dù bận kinh doanh, điều khiển cả một tập đoàn xuyên quốc gia (ngoài trụ sở chính ở Ba Lan, TSQ có chi nhánh tại nhiều nước trên thế giới như Cuba, Trung Quốc, Nga, Đức, EU...và nhà máy may hàng xuất khẩu tại quê hương Hà Tây của anh), nhưng vẫn mê hoạt động văn hoá, văn nghệ. Anh thường về Việt Nam tổ chức các đoàn nghệ sĩ, hầu hết là những người nổi tiếng sang Ba Lan biểu diễn cho bà con xem. Đối với thơ ca đất Việt, anh em TSQ lại rất ưu ái. Chẳng những họ đóng góp cả tinh thần và vật chất để xây dựng tờ báo của cộng đồng "Quê Việt", cùng tổ chức những đêm thơ của các nhà thơ cộng đồng mà đối với bất kỳ một đoàn nhà văn, nhà thơ nào trong nước sang, các anh cũng chu đáo, hào hiệp đến cảm động...Đỗ Quân là một trong những người có công trong việc tạo điều kiện nối kết quan hệ giữa hai hội nhà văn Việt Nam và Ba Lan.
Cũng như nhiều doanh nghiệp thành đạt khác có ý thức về cội nguồn quê hương, TSQ  rất trăn trở với mảnh đất quê còn nhiều gian khó của mình. Từ năm 1999, Đỗ Quân cùng anh em tập đoàn TSQ đầu tư xây dựng xí nghiệp may, thu hút hàng trăm lao động của quê nhà, làm hàng xuất khẩu trước hết là phục vụ cho thị trường châu Âu và mở rộng ra một số khu vực khác. TSQ đã đầu tư góp vốn cùng Hà Tây quê nhà xây dựng khu đô thị mới Mỗ Lao với quy mô hoành tráng 120 héc ta, đến nay trong tổng số vốn đăng ký đầu tư 331 triệu USD thì riêng tập đoàn TSQ đã đăng ký 2 khoản lớn là 60 triệu USD để xây dựng toà tháp đôi 37 tầng trên diện tích 1,1 hecta và đầu tư xây dựng "Làng Việt kiều châu Âu" gồm những khu biệt thự và liền kề trên diện tích 12,5 hecta với 63 triệu USD. Khu đô thị mới Mỗ Lao động thổ ngày 7/12/2005 là một món quà đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây, dự kiến năm 2007 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Riêng khu "Làng Việt kiều châu Âu" cũng được khởi công xây dựng trong tháng 12/2005. Vậy là không lâu nữa, Hà Tây sẽ có một khu đô thị tầm cỡ quốc tế, chẳng những làm đẹp thêm bộ mặt tỉnh nhà mà góp phần làm thay đổi diện mạo vùng ven thủ đô Hà Nội. Riêng bà con cộng đồng Ba Lan và các nước châu Âu nay mai sẽ có một "Làng" những người con xa xứ về quê hương được sống trong một không gian hiện đại, chỉ cách trung tâm Hà Nội có 10km, kẹp giữa hai đại lộ là quốc 6 và đường Láng Hạ kéo dài. Với những điều kiện như vậy, giá chuyển nhượng lại rất mềm so thời điểm này nên hầu hết các lô đất biệt thự và liền kề đa số bà con Việt kiều đã đăng ký.
Hôm động thổ Khu đô thị Mỗ lao, anh Trường, đại diện của Ban lãnh đạo Tập đoàn TSQ tỏ ra rất xúc động nói là cả tỉnh uỷ, UBND Hà Tây hết sức ủng hộ, nên công việc sẽ suôn sẻ. Việc giải phóng mặt bằng cơ bản đã xong, ngoài bồi thường thiệt hại cho bà con ở đây, TSQ còn hỗ trợ cho việc chuyển đổi nghề và ổn định sản xuất, sẽ sử dụng hàng ngàn lao động đã qua đào tạo...
(Theo Tạp chí An Ninh )

Lão đại gia Đỗ Thế Sử: Dòng máu kinh doanh của đại gia đình họ Đỗ

Lịch sử kinh doanh của người Việt Nam có những ngắt quãng, nhưng dòng máu kinh doanh vẫn âm thầm chảy trong huyết quản nhiều người Việt, trong đó có đại gia đình họ Đỗ.
Lão đại gia Đỗ Thế Sử
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” cho cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”.
Không phải ngẫu nhiên mà cụ Sử nhận mình có “máu kinh doanh” từ trong huyết quản. Cụ kể, 14 tuổi “chạy cờ” cho mẹ nên đã biết buôn tơ với các bà ở Hàng Ngang, Hàng Đào và say mê kinh doanh từ thuở đó.
Cụ tâm đắc: "Kinh tế là hạ tầng cơ sở của xã hội, là dòng máu nuôi cơ thể. Đất nước vững bền và phát triển thì phải có nền kinh tế khỏe mạnh và phát triển. Nhưng kinh doanh phải có gen và phải say mê nó. Tôi có gen ấy là từ mẹ tôi. Một người đàn bà thất học, nhưng thông minh vô cùng. Bà chỉ nhìn qua bản đồ của xã, huyện là nắm được từng thửa ruộng. Không biết chữ, nhưng bà tính nhẩm nhanh như máy và không sai bao giờ".
Những gì cụ Sử kể về mẹ, như những điều ngỡ chỉ có trong tiểu thuyết. Thân mẫu cụ là con gia đình khá giả. Cha mẹ bà nhận trầu cau của một người trong xã. Bà không ưng người đó và trót yêu ông chánh tổng đã có vợ.
Bà bỏ nhà trốn lên Phú Thọ cấy thuê làm mướn lo đủ số tiền mang về trả lễ cho nhà trai rồi nhất quyết lấy người đó. Phận làm lẽ cũng chẳng dựa gì nhiều vào chồng, bà tự tay gây dựng cơ đồ. Có chút vốn là bà mua ruộng, giao cho người cấy thuê và trả công xứng đáng, hai bên cùng có lợi.
Cứ thế mà nhân lên mãi. Rồi bà mở xưởng thuê người nấu mật mía, mở lối gỗ từ Tuyên Quang, Phú Thọ, mở xưởng dệt nhuộm vải thâm… Có trong tay 300 mẫu ruộng, xưởng vải, xưởng mật, xưởng gỗ…, vậy mà vẫn tham công tiếc việc, làm quần quật như một bà lực điền chính hiệu.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà vừa ăn ngô bung vừa tranh thủ xay lúa. Tôi còn biết bà có cái hòm hai đáy cao 1 thước, đáy dưới cao 40 phân chật cứng tiền Đông Dương. Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn. Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực - nhất là những khi cuộc đời thử thách mình”, cụ Sử kể lại.
Có vẻ như cụ còn giống mẹ ở chỗ nhìn đâu cũng thấy cơ hội kinh doanh. Chuyện kinh doanh của cụ Sử cũng nhiều chuyện thú vị. Khi cụ đã nghỉ hưu ở HTX rồi, một ngày, ông thông gia ở Sài Gòn ra chơi kể chuyện mua cái mũ phớt đắt quá - hơn nửa chỉ vàng, cụ nghĩ ngay ở Hà Nội rẻ hơn.
“Thế là hai vợ chồng già “đánh” mũ từ Hà Nội vào. Sang Tiệp Khắc chơi với anh Tú (con trai thứ của cụ), tôi tìm đến tận kho mua hẳn 5.000 cái về - thắng to. Đến cái năm Tú nhận bằng đỏ tiến sĩ, được mời bố mẹ sang, chúng tôi ra quảng trường chơi thấy đồ pha lê đẹp quá liền mua luôn. Tối ấy, ngắm nghía đến hai giờ sáng rồi quyết định "đánh" về. Tôi nhờ Tú dẫn đi mua băng giấy vệ sinh về chèn 39 kiện pha lê khiến Tú kêu trời. Bán pha lê cũng ra tiền mà băng giấy vệ sinh cũng là khoản thu kha khá…”, cụ sang sảng kể những chuyện nhiều năm qua.
Nhiều tuổi rồi nhưng nhìn thấy cơ hội làm ăn vẫn ham, không muốn dừng. 73 tuổi, cụ quyết định thành lập Công ty May mặc Gamexco để sản xuất hàng xuất khẩu. Và giờ, ngoài 90 tuổi, cụ vẫn đang tiếp tục công việc ở đây.
Những người con đại gia
Liên tiếp trong vòng 5 năm trở lại đây, Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI là cái tên được giới kinh doanh nhắc đến. Năm 2010, DOJI trở thành doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi chinh phục mức doanh thu trên 20.000 tỷ đồng. Con số mang tính bứt phá này, so với mức 11.620 tỷ đồng doanh thu của năm 2009, đã đưa DOJI vào top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo Vietnam Report năm 2010).
Cũng phải nhắc lại, đây được coi là năm "điên loạn" của giá vàng. Có thời điểm, trong vòng một đêm, giá vàng thế giới biến động tới 8-10%. Tại thị trường Việt Nam, thoát ra khỏi quy luật thông thường, đạt mức kỷ lục chưa từng có, lên tới 33 triệu đồng/lượng vào ngày 7/10/2010.

Ông Đỗ Minh Phú (giữa) và hai người con Đỗ Minh Đức và Đỗ Vũ Phương Anh
Tuy nhiên, năm 2011 mới là dấu mốc thực sự đặc biệt của ông Đỗ Minh Phú và DOJI. Sau thương vụ được đánh giá là vô cùng thành công khi bán Công ty Diana cho Unicharm với mức giá 184 triệu USD, liên kết góp vốn vào Ngân hàng Tiên Phong do FPT sáng lập, cùng với người em Đỗ Anh Tú, hai đại gia họ Đỗ bước chân sâu vào lĩnh vực ngân hàng, đưa TPBank vào danh sách công ty liên kết góp vốn của DOJI.
Đây cũng là năm doanh thu của Tập đoàn DOJI đạt 30.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, việc ông Phú duy trì tốc độ tăng trưởng trên 50%/năm của DOJI suốt từ năm 2007 thách thức trí tò mò của bất cứ đối thủ nào.
Hai năm liên tiếp sau đó, trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, DOJI vững vàng ở ngôi vị đầu bảng…
Vào thời điểm này, khi được hỏi về bí quyết, ông Phú đã nhắc tới quan điểm cân bằng trạng thái. Trong kinh doanh vàng, đó là cân giữa trạng thái mua và bán. Trong kinh doanh, Tập đoàn DOJI phát triển khá đa dạng lĩnh vực kinh doanh, từ vàng trang sức, đá quý, kim cương đến dịch vụ kinh doanh nhà hàng, spa… Ông cũng là sáng lập viên của Công ty Diana, cùng với người em Đỗ Anh Tú.
“Đây là mảng kinh doanh mà các khách hàng tiêu dùng không căn cứ vào giá vàng lên xuống, mà dựa vào giá trị sản phẩm. Có thể thấy, chúng tôi tìm tới các cơ hội để đảm bảo sự cân bằng trong kinh doanh. Mọi hoạt động đều được chúng tôi tuân thủ quy luật hài hoà lợi ích”, ông Phú không ngần ngại chia sẻ bí quyết.
Cũng như cách vào năm 2007, khi bắt tay vào thương vụ mua lại 2 công ty vàng bạc, đá quý của SJC là SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng để tập trung vào mũi nhọn là kinh doanh vàng miếng và vàng bạc đá quý trang sức, ông Phú đã đã tạm dừng lại các kế hoạch kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản để dồn nguồn lực tạo dựng chỗ đứng cho các thương hiệu của DOJI.
“Chúng tôi đã đi nhanh hơn kế hoạch của mình nhờ sự tập trung nguồn lực và thời điểm khủng hoảng để cắt giảm chi phí. Tới đây, chúng tôi sẽ tái khởi động lại các dự án bất động sản”, ông nói.
Trong Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của Tập đoàn DOJI vào cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Đỗ Minh Phú vẫn thế, điềm tĩnh và thanh lịch nói về kế hoạch mở rộng đầu tư bất động sản, các khu dự án tiềm năng, đầu tư trong lĩnh vực du lịch, trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Artex Sài Gòn, xuất sắc tái cơ cấu thành công Ngân hàng TMCP TPBank sớm hơn so với kế hoạch 1 năm. “Dự kiến, DOJI sẽ đạt doanh thu 40.000 tỷ đồng vào năm 2014”, ông Phú nói.
Một lần nữa, nguyên tắc hài hoà lợi ích và chọn thời điểm để thực hiện các kế hoạch mà ông Phú đã áp dụng cho giai đoạn vừa qua tiếp tục được nhắc tới.
Máu kinh doanh vẫn chảy
Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử là cha của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI; ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Diana; ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FTD; bà Đỗ Xuân Mai điều hành Công ty Green Global, bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa...
Cụ từng kể, khi xưa, cũng không định hướng gì, các con tự chọn con đường đi để phát huy hết khả năng, nhưng nhìn thấy ở người nào cái gen kinh doanh trội thì hướng người đó.
“Thực ra những điều đó ở trong máu rồi, chỉ cần khơi lên thôi. Đỗ Minh Phú là một ví dụ. Phú là người thông minh nhất trong các con tôi. Ngày Phú phải lựa chọn giữa việc sang Nhật Bản làm tiến sĩ hay chuyển hẳn sang kinh doanh tôi có nói đại ý: “Làm khoa học cũng tốt, nhưng nếu biết cách làm giàu cho mình và đất nước thì càng tốt. Nhà doanh nghiệp sẽ là một trong những trụ cột của đất nước… Thế là Phú quyết định rẽ sang hướng trở thành doanh nhân đúng nghĩa và có được DOJI như hiện nay”, cụ Sử nói.
Những người con khác của cụ cũng vậy. Mỗi người mỗi sở trường đều thành công trong sự nghiệp.

Ba thế hệ kinh doanh của gia đình doanh nhân Đỗ Thế Sử và những người bạn
Cụ cũng nói, điều quan trọng nhất cụ trao truyền cho con cháu của mình trong kinh doanh là chữ Tín. Ngày trước, mẹ cụ đặt mua tơ về dệt ở Hàng Ngang, Hàng Đào chỉ cần nhắn một câu là có hàng đưa về ngay, tiền trả sau. Đến thời cụ và bạn hàng cũng vậy. Cuộn vải 150 m thì mét nào cũng như mét nào, 100 cuộn như một. Chưa cần ký hợp đồng chỉ cần gọi điện sang là họ thực hiện ngay.
“Không ai sống được một mình, người nọ phải dựa vào người kia để cùng tồn tại. Vậy chữ Tín quan trọng lắm. Tôi dạy con cháu chữ Tín và thể hiện chữ Tín, để mọi người giữ chữ Tín như mình. Dòng máu nhà tôi là dòng máu kinh doanh và dòng máu này được lọc bằng chữ Tín”, cụ nói.
Đến ông Phú, triết lý kinh doanh được tiếp tục tinh lọc. "Tôi có 3 chữ "tự". Tự lực cánh sinh để đi lên bằng khả năng của mình. Tự trọng để giữ uy tín trong làm ăn. Tự tôn để không chấp nhận thua kém, không dễ dãi, bằng lòng với thành công và những thứ đang có", ông Phú triết tự và nhắc nhiều tới động cơ kinh doanh tốt đẹp, đó là sản xuất kinh doanh để làm giàu cho doanh nghiệp và phụng sự xã hội.
“Vấn đề không nằm ở việc doanh nghiệp có bao nhiêu tiền, mà điều quan trọng là chúng ta là ai, sự nghiệp của chúng ta là gì, đóng góp được gì cho xã hội và để lại cho đời sau giá trị tốt đẹp gì”, ông Phú chia sẻ.
Đỗ Minh Đức, con trai ông Đỗ Minh Phú, sau 8 năm tu nghiệp tại Anh quốc, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế - kinh doanh, tốt nghiệp thạc sĩ marketing và là người Việt Nam đầu tiên có chứng chỉ GIA chuyên ngành đá quý và kim cương của Viện đá quý Hoa Kỳ - GIA, Minh Đức đã bước vào vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của DOJI.
Đỗ Vũ Phương Anh, con gái ông Phú cũng bước chân vào con đường dài đầy áp lực mà ông cha đã khai phá, với vai trò người giữ lửa - Phó tổng giám đốc phụ trách công tác nguồn nhân lực, quản trị hệ thống và chuỗi kinh doanh dịch vụ của DOJI...
Tiếp xúc với cụ Sử và con, cháu của cụ, có thể thấy sức trường tồn len lỏi qua bao thăng trầm của lịch sử để tạo dựng nên những Kinh kỳ, Kẻ chợ, phố Hiến, Hội An, Sài Gòn, Chợ Lớn... và diện mạo hôm nay của đất nước. Đó chính là nhiệt huyết, đam mê trong mỗi con người và trao truyền lại cho thế hệ sau; là khao khát xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và mọi người; là ước mơ trở thành những tập đoàn tư nhân hùng mạnh của khu vực và thế giới...
Đó là dòng máu kinh doanh của những doanh nhân chân chính, của những người con đất Việt qua bao thế hệ.
THÙY DƯƠNG/Báo đầu tư

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Câu lạc bộ Doanh nhân họ Đỗ (Đậu) TPHCM



Câu lạc bộ Doanh nhân họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam chính thức ra mắt tại TPHCM nhằm kết nối, hỗ trợ và tạo môi trường gặp gỡ cho các Doanh nhân trong dòng họ.

Tham dự Đại hội là các doanh nhân họ Đỗ trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam. Câu lạc bộ Doanh nhân họ Đỗ (Đậu) TPHCM và các tỉnh phía Nam (CLB DN họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam) là tổ chức được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các Doanh nhân trong dòng họ Đỗ (Đậu). Với phương châm tự nguyện, dân chủ và công khai, CLB DN họ Đỗ (Đậu) ra mắt sẽ giúp kết nối các Doanh nhân, cùng xúc tiến thương mại, tạo công ăn việc làm cũng như chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh...Tại Đại hội, các doanh nghiệp trong CLB nhất trí cao với quy chế hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nhân họ Đỗ (Đậu) TPHCM . Đồng thời các thành viên trong CLB cũng thống nhất bầu Bác sĩ Đỗ Xuân Trường làm Chủ tịch. Doanh nhân Đỗ Thanh Năm và Đỗ Hoàng Mỹ Linh được bầu giữ chức Phó chủ tịch. 

"Truyền thống họ Đỗ (Đậu) có rất nhiều Doanh nhân tài giỏi thành đạt, CLB DN họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam cần phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích chung của dòng họ và điều lệ của CLBDN họ Đỗ (Đậu) Việt Nam trên tinh thần xây dựng và phát triển, giúp đỡ nhau chân thành, không lợi dụng danh nghĩa dòng họ để vụ lợi cá nhân, làm ảnh hưởng tới uy tín của dòng họ...". Ông Đỗ Văn Trắc nhấn mạnh. 

Bác sĩ Xuân Trường - Chủ tịch CLB DN họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam chân thành cảm ơn
sự tin tưởng của các thành viên trong CLB. Anh mong muốn có sự chung tay đoàn kết của các
anh em để phát triển CLB lên tầm cao mới có uy tín trong xã hội. Trong tương lai, CLB không chỉ
cung cấp các dịch vụ trong phạm vi dòng họ mà có thể mở rộng ra cả nước. 

Ban điều hành CLB DN họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam tặng hoa chúc mừng cho ông
Đỗ Văn Trắc Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam và ông Đỗ Văn Dũng
CT dòng họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam đời thứ 2 

Ban điều hành CLB DN họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam tặng kỉ niệm chương dòng họ
cho các thành viên trong CLB 

CLB DN họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam cùng chụp hình lưu niệm 

Dịp này, CLB cũng đã chúc mừng các thành viên có sinh nhật trong tháng 9 
Trong tương lai, CLB DN họ Đỗ (Đậu) TPHCM và phía Nam sẽ liên kết với các Doanh nhân họ Đỗ (Đậu) khác trên địa bản cả nước thông qua các hình thức gặp mặt giao lưu, gặp gỡ, hội thảo, tọa đàm... nhằm tạo môi trường hiểu biết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển và mang lại nhiều thành công và lợi ích cho các thành viên, dòng họ và xã hội...

 
Liên Hệ [x]
hotline0902 424 114